Công nghệ blockchain là một trong những công cụ then chốt trong chuyển đổi số, đang ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như đô thị thông minh, công nghệ tài chính, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng, dịch vụ công, hậu cần, thương mại điện tử, nông nghiệp...
Các giải pháp định danh số là một bước tiến lớn để tiếp cận công nghệ blockchain tại Việt Nam. Không những cung cấp tính chủ động trong xác thực và bảo mật thông tin ở môi trường trực tuyến, giải pháp còn giúp đơn giản hóa tương tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, qua đó mang lại lợi ích đáng kể trong cải tiến quy trình hoạt động của doanh nghiệp.
Định danh số có thể đáp ứng nhu cầu kiểm soát nhân sự bằng cách cung cấp bằng chứng về danh tính, quyền lợi, khả năng và trình độ của mỗi người. Định danh số có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác, ví dụ du lịch quốc tế có thể sử dụng hộ chiếu kỹ thuật số, thay cho hộ chiếu thông thường. Hoặc trường hợp Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) sử dụng blockchain để phân phối thực phẩm cho người tị nạn dựa trên đặc điểm sinh trắc học. Công nghệ này cũng được kỳ vọng ứng dụng để ngăn hành vi tham nhũng tiền từ hoạt động viện trợ không đến tay người cần...
Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) - cho rằng đây là "thời điểm vàng" để Việt Nam thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain nhằm tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế số nhiều tiềm năng. Mới đây, Hiệp Hội Internet Việt Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Vietnam Blockchain tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Blockchain trong Định Danh Số và Tiềm năng ứng dụng”. Một trong những dự án áp dụng công nghệ Blockchain tiêu biểu được chia sẻ trong Hội thảo là dự án ”Ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề của người lao động” do Công ty cổ phần Vietnam Blockchain hợp tác cùng Quỹ Châu Á (TAF) và Công ty CP Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC (Jupviec.vn). Dự án mang lại hiệu quả trong thực tiễn khi Định danh số thành công cho hơn 1400 lao động giúp việc nhà tại TP. HCM và 30 cán bộ nòng cốt. Qua đó đóng góp vào thành tựu của VBC trong định hướng nghiên cứu các giải pháp Blockchain giúp giải quyết các vấn đề xã hội.
Để có thể bắt kịp xu hướng quốc tế, cần thiết các doanh nghiệp/tổ chức Việt Nam phải tiếp cận và cải tiến hệ thống vận hành trên nền tảng công nghệ Blockchain. Từ đó góp phần xây dựng thành công hệ sinh thái Blockchain tại Việt Nam, thúc đẩy hội nhập quốc tế về Khoa học- công nghệ, rút ngắn khoảng cách công nghệ của Việt Nam so với các quốc gia phát triển.