Phát triển công nghệ Robot sử dụng trong dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh
12/08/2022
795 Lượt xem
Các nhà khoa học thuộc Viện Cơ học đã thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển công nghệ Robot sử dụng trong dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh phục vụ nông nghiệp; có được 01 bằng độc quyền sáng chế số: 30287 với tên sáng chế là “Hệ thống lập trình được để huấn luyện hoạt động của Robot”. Các kết quả trên thuộc đề tài “Phát triển công nghệ Robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh”, mã số: UDPTCN.01/19-21. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN đánh giá nghiệm thu ngày 25/3/2022 và xếp loại xuất sắc.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công một mẫu cánh tay máy 6 bậc tự do có tên là SM6 định hướng ứng dụng trong sản xuất công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Hệ thống Robot SM6 là một sản phẩm chính của dự án: “Hoàn thiện, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo Robot công nghiệp 6 bậc tự do và ứng dụng sản phẩm vào dây chuyền sản xuất công nghiệp” do Viện Cơ học chủ trì, thuộc Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22/02/2013 giao Bộ Công Thương quản lý. Dự án đã được Bộ Công Thương nghiệm thu ngày 23/8/2018.
Kế thừa kết quả nghiên cứu trước đó, từ năm 2019-2021 nhóm các nhà khoa học Viện Cơ học đã tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu về phát triển công nghệ Robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh phục vụ nông nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nội dung công việc để phát triển công cụ tính toán, mô phỏng nhằm tối ưu hóa robot SM6 trước đó cả về quy trình, phần cứng và phần mềm.
Trên cơ sở phân tích quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh nhằm tự động hóa quá trình bằng giải pháp dây chuyền tự động, bán tự động; và với định hướng sản phẩm của đề tài là nhằm phục vụ sản xuất nhỏ, bán tự động hoặc tự động hóa hoàn toàn, thích ứng với khả năng gia công tại Việt Nam, phù hợp với giá thành và tăng khả năng lựa chọn các các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề tài đã tập trung vào xây dựng, thiết kế các công đoạn chiết/rót chế phẩm dạng lỏng vào chai, đóng nắp, dán nhãn và đặt vào hộp để đóng gói, chuyển ra công đoạn tiếp theo. Các công đoạn này được thực hiện bởi cánh tay robot và là những giải pháp có thể được tích hợp lại từng phần hoặc toàn bộ trong dây chuyền tùy biến vào lựa chọn của đơn vị sản xuất.
Sau 03 năm thực hiện nhóm nghiên cứu đã đạt được những kết quả sau:
Làm chủ công nghệ quá trình thiết kế và chế tạo tay máy cho các ứng dụng trong công nghiệp phụ trợ phù hợp với điều kiện Việt Nam, dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường.
Phục vụ đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ về ngành Cơ điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực robot.
Với sản phẩm cụ thể là SM6 robot và các kiến thức có được trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu hoàn toàn có thể: Thiết kế và chế tạo các loại robot phù hợp với yêu cầu cụ thể của khách hàng, đơn vị sử dụng, doanh nghiệp.
Đưa phần mềm SM6 robot thành sản phẩm có tính chất thương phẩm để ứng dụng vào việc điều khiển các robot khác được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam.
Những đóng góp mới của nhóm nghiên cứu là phát triển thuật toán phần mềm, thiết kế cơ khí tối ưu cho một mẫu cánh tay robot SM6 giúp phát triển ứng dụng cho robot trong dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh. Robot SM6 là một sản phẩm mẫu làm tiền đề để nghiên cứu tính khả thi cho việc nhân rộng (sản xuất hàng loạt) phục vụ nhu cầu sử dụng cánh tay robot trong sản xuất tại Việt Nam.