Báo cáo chuyên đề "Năng lượng mặt trời xu hướng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam"
17/03/2021
2332 Lượt xem
Hàng năm thế giới tiêu thụ một lượng nhiên liệu hóa thạch tương đương với 11 tỷ tấn dầu. Nếu chúng ta tiếp tục tiêu thụ ở tốc độ như vậy, nguồn dầu thô sẽ cạn kiệt vào năm 2052, nguồn khí tự nhiên sẽ cạn kiệt vào năm 2060 và nguồn than đá sẽ cạn kiệt vào năm 2088. Tuy nhiên tốc độ tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng lên khi dân số thế giới tăng cũng như các tiêu chuẩn sống tăng lên. Do vậy, các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt sớm hơn nếu không tìm ra các nguồn năng lượng thay thế. Ngay cả với tốc độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như hiện tại, điện năng mới chỉ đáp ứng được 4/5 dân số thế giới. Trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo là vô tận và có thể bổ sung và thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Những năm gần đây, ngành năng lượng thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính lịch sử, đó là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng sạch và không bao giờ cạn kiệt. Trong đó, điện mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo, không giống như các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt,… là những nguồn nhiên liệu không thể phục hồi. Theo tính toán của NASA, mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng trong khoảng 6,5 tỷ năm nữa. Các nhà khoa học đánh giá rằng tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn – mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới.
Việt Nam hiện được các nhà nghiên cứu đánh giá là nơi có tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cao nhất, với mức khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Vì vậy, năng lượng mặt trời đóng vai trò như một nguồn năng lượng tại chỗ để thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống, đáp ứng nhu cầu của các vùng dân cư. Đây là một chính sách có ý nghĩa về mặt kinh tế cũng như phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc ứng dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng to lớn và dồi dào có được, việc phát triển còn thiếu đồng bộ cần có những định hướng và chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc phát triển điện mặt trời. Chuyên đề “Năng lượng mặt trời xu hướng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam” hy vọng cung cấp thêm thông tin hữu ích cho bức tranh phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.