Báo cáo chuyên đề "Dữ liệu mở, mã nguồn mở và truy cập mở - thực trạng, xu hướng phát triển và ứng dụng"
17/03/2021
1514 Lượt xem
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số, dữ liệu đóng một vai trò quan trọng, được coi là tài nguyên chính của nền kinh tế. Tài nguyên này có thể được sử dụng nhiều lần bởi nhiều đối tượng khác nhau mà không làm mất đi giá trị vốn có của nó. Đúng như chuyên gia tư vấn và tác giả người Mỹ Geoffrey Moore nói “Vắng dữ liệu, chúng ta như kẻ mù và điếc giữa ngã ba đường”. Tuy nhiên để thực sự trở thành một trong những nguồn tài nguyên thiết yếu mới của thế giới thời kỳ chuyển đổi số, dữ liệu cần phải được mở, đặc biệt là dữ liệu quốc gia.
Với xu hướng phát triển các giải pháp công nghệ về Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Nhận thức (Cognitive), Robot và Internet Vạn vật (IoT) mạnh mẽ như hiện nay, dữ liệu mở, truy cập mở và phát triển mã nguồn mở chính là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực và mang lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia.
Trên thế giới hiện nay, vấn đề về dữ liệu mở, truy cập mở và xây dựng mã nguồn mở đã được quan tâm từ khá lâu, đang là xu hướng của các nước phát triển và đã trở thành một chỉ tiêu trong đánh giá mức độ phát triển chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều quốc gia cũng đã đưa ra các qui định về chính phủ mở, truy cập mở để làm nền tảng hỗ trợ phát triển. Việc phát triển dữ liệu mở, truy cập mở và xây dựng mã nguồn mở trên thế giới đứng đầu là các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp; Vương quốc Anh; Hoa Kỳ; Nhật Bản, Hàn Quốc…
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của số hoá và mạng hoá thông tin trong Chính phủ cũng như ở cấp độ địa phương. Mới đây, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số ra đời, là một văn bản được chờ đón từ lâu và đánh dấu một bước tiến tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam. Văn bản đề cập tới khái niệm Dữ liệu mở, với ý định thiết lập nền tảng cho Chính phủ mở.
Tuy nhiên, ở Việt Nam việc xây dựng và cung cấp dữ liệu mở vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: nhiều cơ sở dữ liệu không công khai rộng rãi, chất lượng dữ liệu chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự chuẩn hóa và chính sách dữ liệu mở, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chặt chẽ...Trong đó, việc xây dựng chính sách dữ liệu mở là vấn đề lớn, tính pháp lý phải ở cấp Luật, Nghị định nên cần có sự tham gia của các Bộ, Ngành có liên quan.
Chuyên đề “Dữ liệu mở, truy cập mở và mã nguồn mở, thực trạng, xu hướng phát triển và ứng dụng” sẽ được nghiên cứu để làm rõ hiện trạng phát triển và ứng dụng của dữ liệu mở, mã nguồn mở và truy cập mở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng và giải pháp phát triển tại Việt Nam.