Báo cáo chuyên đề "Công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung và xu hướng phát triển ở Việt Nam"
04/03/2021
1534 Lượt xem
Vấn đề môi trường hiện nay là vấn đề nóng bỏng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có rất nhiều ngành sản xuất làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, trong đó có ngành sản xuất vật liệu xây dựng là ngành được đánh giá là ngành gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng và làm thay đổi môi trường sinh thái của tự nhiên. Việc khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng, sử dụng công nghệ sản xuất tiêu tốn năng lượng, làm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường gây tác động không nhỏ đến an ninh năng lượng và cạn kiệt tài nguyên của các quốc gia. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên không thể hoàn thổ trả lại tự nhiên như ban đầu, tiêu tốn tài nguyên cho các mục đích sử dụng khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Từ vấn đề cấp thiết này đòi hỏi con người phải tìm ra một loại vật liệu xây dựng thích hợp để đảm bảo làm giảm sự ô nhiễm môi trường. Vật liệu xây không nung (VLXKN) là một loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường đang dần thay thế gạch nung và nó cũng mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành xây dựng dân dụng. Vật liệu xây không nung với những tính năng ưu việt thay thế gạch đất sét nung trong xây dựng đã được chứng minh hơn 100 năm qua và phổ biến rộng rãi tại các khu vực phát triển trên thế giới như Châu Âu, Úc, Mỹ, Châu Á và Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo tốc độ xây dựng, phát triển độ thị,cơ sở hạ tầng yêu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu trên đồng thời phải đảm bảo giảm thải ô nhiễm môi trường, Chính phủ đã ban hành quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 với mục tiêu “phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội”. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm thực hiện kết quả và mục tiêu của chương trình vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Để thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không (GKN) nung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong việc đầu tư thiết bị sản xuất gạch không nung và đầu tư sản xuất gạch không nung nhưng tại nhiều địa phương các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được các ưu đãi này. Các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ đồng bộ, tự động hoá cao cho sản phẩm đạt chất lượng tốt, nhưng giá thành sản xuất cao. Mặt khác, Nhà nước vẫn chưa ban hành các chính sách theo hướng tăng thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng…đối với sản phẩm gạch đất sét nung. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất gạch không nung vẫn còn cao, khó cạnh tranh so với gạch đất sét nung. Bên cạnh đó, do sản lượng sản xuất gạch đất sét nung vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng, giá thành sản xuất gạch đất sét nung có tính cạnh tranh tốt hơn so với gạch không nung, do thói quen sử dụng nên các chủ đầu tư và người dân vẫn sử dụng gạch đất sét nung mà không sử dụng gạch không nung.
Để tiếp tục phát triển VLXKN cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ của Nhà nước về cả chính sách ưu đãi lẫn chính sách hạn chế sản xuất gạch nung. Chuyên đề “Công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung và xu hướng phát triển ở Việt Nam” cung cấp thêm thông tin hữu ích cho nhà khoa học, doanh nghiệp, những là đầu tư, quản lý có một cái nhìn toàn diện và thân thiện hơn về lĩnh vực “xây dựng xanh” tuy rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn còn chưa thực sự phát triển ở nước ta.