Mã số vùng trồng là gì?
Mã số vùng trồng – Production Unit Code (PUC) theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV có định nghĩa Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản.
Theo Ông Lê Nhật Thành, GĐ Trung Tâm Kiểm Dịch Thực Vật: “Mã Số Vùng Hiểu Nôm Na Là Một Chứng Nhận Mã Số Định Danh Cho Một Vùng Trồng Trọt Nhằm Thuận Lợi Cho Việc Theo Dõi Và Kiểm Soát Tình Hình Sản Xuất, Kiểm Soát Chất Lượng Sản Phẩm, Đồng Thời Đảm Bảo Nông Sản Đưa Vào Quá Trình Lưu Thông Trên Thị Trường Phải Đúng Nguồn Gốc Tại Vùng Trồng Đó (Tránh Tình Trạng Trà Trộn Sản Phẩm Nơi Khác Vào Vùng Trồng Đã Được Cấp Mã Số).”
Trên thực tế, mã số vùng trồng được thiết lập để giám sát vùng trồng nông sản nhằm mục đích phục vụ xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu. Cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng.
Theo đó, để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác,… Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.
Ai được cấp mã số vùng trồng?
Tổ chức, cá nhân tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất với tổ chức, cá nhân khác.
Tại sao phải cấp mã số vùng trồng?
– Đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản trên thế giới. Dựa theo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu “Import Phytosanitary Requirement” đối với các mặt hàng là rau củ và trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường khó tính, yêu cầu về vùng trồng riêng cho loại hàng hóa dự kiến xuất khẩu được đăng ký và kiểm soát bởi Cơ quan Bảo vệ thực vật Quốc Gia (Cục Bảo vệ thực vật) là yêu cầu tiên quyết đầu tiên. Một số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm… tại các vùng trồng.
– Đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm khi xuất khẩu qua nước ngoài. Đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó. Tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
– Để được cấp mã số vùng trồng, người nông dân phải thực hiện sản xuất theo quy trình chuẩn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các nước nhập khẩu, từ đó giúp người nông dân có ý thức hơn trong việc sản xuất nông sản an toàn hơn qua việc kiểm soát lượng phân thuốc sử dụng, ghi nhật ký, chất lượng hơn và giá thành cao hơn.
– Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng có thể kiểm soát tốt hơn vùng nguyên liệu thông qua mã số vùng trồng và nhật ký canh tác của người nông dân.